TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Chính sách về trợ giúp pháp lý trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và tình hình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai

05/12/2022

        Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (sau đây viết tắt là Chương trình) được phê duyệt tại Quyết định 1719/QĐ-TTg  ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.


        Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

        Chương trình thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

        Đối tượng của Chương trình là các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;  Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX), các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

        Giai đoạn 1 của Chương trình được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 gồm 10 Dự án thành phần; trong đó, chính sách về Trợ giúp pháp lý được quy định tại Nội dung số 3, Tiểu dự án 1, Dự án 10, nội dung cụ thể nhằm “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”,với mục tiêu “Bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật”.

        Thực hiện Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh Gia Lai và hướng dẫn tại Công văn số 1420/BTP-TGPL ngày 05/5/2022 của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 35/KH-STP để triển khai thực hiện nội dung về Trợ giúp pháp lý trong Chương trình năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đó,  Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Trung tâm) đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-TGPL ngày 03/11/2022  triển khai thực hiện Nội dung số 3, Tiểu dự án 01 thuộc Dự án 10 và truyền thông về Chương trình năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

        Trung tâm đã và đang triển khai các nhiệm vụ như: Biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số; Tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự kiến Trung tâm sẽ hoàn thành các nhiệm vụ theo Kế hoạch trong tháng 12/2022./.
- Thiều Hữu Minh -

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH GIA LAI
Địa chỉ nhận tin/bài viết:
   Email: pbpl.stp@gialai.gov.vn
   Điện thoại: 02693 821 596
Địa chỉ: 46 Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring, thành Phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. 
Điện thoại: 0269.3824.102. Fax: 0269.3824.102. Email: stp@gialai.gov.vn.

Giấy phép số 05/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp ngày 09 tháng 6 năm 2016.
Chịu trách nhiệm chính: Bà Lê Thị Ngọc Lam - Giám đốc Sở Tư Pháp.
Copyright© 2016-2018 - Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai (http://stp.gialai.gov.vn) khi trích dẫn lại tin, bài, ảnh từ địa chỉ này.