Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Gia Lai tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
08/11/2022
Nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11), góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, trong các ngày 21, 29/10, 05/11/2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Gia Lai đã tích cực phối hợp với các Cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn thanh niên, các Trường học của huyện Đăk Pơ, Kbang, thị xã An Khê, tổ chức thực hiện thành công 03 “Phiên tòa giả định”. Phiên tòa tái hiện lại quá trình xét xử các vụ án có thật đã xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây như: “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”, “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, “Cưỡng đoạt tài sản”. Mỗi phiên tòa đã thu hút sự tham gia của hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên, học sinh, thầy cô giáo và quý phụ huynh. Qua hoạt động này, người tham gia được cung cấp thông tin, quy định pháp luật một cách trực quan, sinh động, từ đó nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật trong cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Hình ảnh tại "Phiên toà giả định"
Hình ảnh tại "Phiên toà giả định"
Tham gia “Phiên tòa giả định”, các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã chuẩn bị chu đáo nội dung bào chữa, bảo vệ; thể hiện tốt vai trò bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Đồng thời, trong nội dung bài bào chữa, bảo vệ của mình, Trợ giúp viên pháp lý đã lồng ghép việc truyền thông, giới thiệu một số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như: người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, trẻ em, …
Hình ảnh tại "Phiên toà giả định"
Thông qua hoạt động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Trung tâm Trợ giúp pháp lý mong muốn truyền tải đến đông đảo nhân dân biết về trợ giúp pháp lý là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một hoạt động mang tính nhân đạo sâu sắc. Đây không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù trong xã hội, mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mặt khác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân của các ngành, địa phương.
- Cao Thị Mi Sa -