TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng

25/11/2020

        Ngày 19 tháng 11 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng. Nghị quyết này được ban hành nhằm mục đích định hướng việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng, hạn chế việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng ồ ạt, không căn cứ vào nhu cầu công chứng, cho phép chuyển địa điểm đặt trụ sở Văn phòng công chứng từ địa bàn cấp huyện này, sang địa bàn cấp huyện khác thiếu kiểm soát đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước sau khi bỏ “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng hành nghề công chứng đến năm 2020” theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.


        Nghị quyết số 172/NQ-CP đã đưa ra 04 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển nghề công chứng trong thời điểm hiện nay, cụ thể như sau:

        Thứ nhất, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng phát triển ổn định, bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp phải chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan tổ chức tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 và pháp luật khác có liên quan như: Pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, đầu tư, chứng thực, biện pháp bảo đảm,  xử lý hành vi sử dụng tài liệu, giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động công chứng; Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách tài chính đối với tổ chức hành nghề công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; rà soát, bổ sung quy định về tài chính trong việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động công chứng làm cơ sở cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công chứng; hướng dẫn chế độ tài chính của Phòng công chứng nhằm giải quyết một số bất cập về tài chính của Phòng công chứng, đồng thời, bảo đảm Phòng công chứng giữ vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

        Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng để phục vụ hoạt động công chứng, đảm bảo chia sẻ và kết nối thông tin công chứng với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan; Tổ chức đào tạo, tập huấn cho công chứng viên khai thác sử dụng hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng và thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng; Thực hiện thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
z2196724427955_1a20ab45c017ca5eee06b6435e071b1c.jpg
        Thứ ba, phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện. Đây là nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 172/NQ-CP. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng (sau đây gọi tắt là Tiêu chí). Việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng công chứng từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác phải thực hiện chặt chẽ công tác thẩm tra hồ sơ, xem xét tính phù hợp với Tiêu chí đã được ban hành, quy định của pháp luật và định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng của Chính phủ; Xây dựng, ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết của Chính phủ và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Đẩy mạnh việc chuyển các Phòng công chứng sang cơ chế tự chủ về tài chính để giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ công chứng, chuyển đổi hoặc giải thể các Phòng công chứng hoạt động không hiệu quả, hoặc có thể thành lập Phòng công chứng ở những nơi có điều kiện khó khăn để đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.

        Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động công chứng, phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Cụ thể, phải nâng cao chất lượng công chứng viên ở tất cả các khâu đào tạo, bồi dưỡng tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm công chứng viên, tổ chức bồi dưỡng nghề công chứng theo từng năm, từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước; Đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của công dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng vi phạm pháp luật; kiên quyết tạm đình chỉ hành nghề công chứng, miễn nhiệm công chứng viên, chấm dứt hoạt động hoặc các hình thức xử lý tương ứng khác đối với các hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng; Phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong việc giám sát hoạt động hành nghề của các công chứng viên; ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; kịp thời phát hiện các tiêu cực trong hành nghề công chứng, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm, ứng xử không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng./.
                                                                                - Khắc Huy -

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH GIA LAI
Địa chỉ nhận tin/bài viết:
   Email: pbpl.stp@gialai.gov.vn
   Điện thoại: 02693 821 596
Địa chỉ: 46 Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring, thành Phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. 
Điện thoại: 0269.3824.102. Fax: 0269.3824.102. Email: stp@gialai.gov.vn.

Giấy phép số 05/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp ngày 09 tháng 6 năm 2016.
Chịu trách nhiệm chính: Bà Lê Thị Ngọc Lam - Giám đốc Sở Tư Pháp.
Copyright© 2016-2018 - Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai (http://stp.gialai.gov.vn) khi trích dẫn lại tin, bài, ảnh từ địa chỉ này.

 Chung nhan Tin Nhiem Mang